Site icon 8XBET

Phục dựng áo dài ngũ thân – làm gì để “chuẩn hóa”?

Phục dựng áo dài ngũ thân - làm gì để "chuẩn hóa"? - Ảnh 1.

Việc đông đảo công chúng thực hành mặc áo

Đó là ý kiến được nêu ra trong hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị áo dài truyền thống: Kinh nghiệm của cộng đồng và nhà quản lý. Hội thảo do CLB Đình làng Việt phối hợp với Sở VH,TT tỉnh Thừa Thiên – Huế và Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội

Nhà nghiên cứu “cõng” thêm nhiệm vụ làm thương mại

Như những gì được chia sẻ, trong khoảng 10 năm trở lại đây, cùng với các nghệ nhân và nhà nghiên cứu có tên tuổi, thế hệ những người trẻ yêu văn hóa cũng có những đóng góp tích cực cho việc hồi sinh chiếc áo dài truyền thống.

 Đơn cử, từ những tà áo ngũ thân đầu tiên được tái dựng vào khoảng năm 2015, đến nay, nhiều bạn trẻ, trong đó có Vũ Đức (người sáng lập dự án Great Vietnam) đã trực tiếp tìm ra và đặt vấn đề về sự sai lệch trong tri thức liên quan tới trang phục truyền thống. Những sai lệch đó thường xuất hiện trên các phương tiện thông tin, truyền thống, sách vở, các báo cáo nghiên cứu khoa học và công trình phục dựng hay thậm chí các chú dẫn tại những đơn vị bảo tàng, di tích,…

Tuy nhiên, hiện nay, những phát hiện mới của người trẻ về văn hoá trang phục truyền thống vẫn chưa được ghi nhận nhiều. Và thực tế, khi ít nhận được sự lắng nghe và ứng dụng từ các đơn vị như khu di tích, bảo tàng… các hoạt động nghiên cứu thuần túy dần có xu hướng chuyển sang nghiên cứu nhằm phục vụ mục đích thương mại hoá trang phục.

Như lời anh Đức, nhiều  những bạn trẻ vốn cặm cụi nghiên cứu, bỗng thành những người kinh doanh văn hoá, bởi đây giống như là cách duy nhất để tiếp bước phong trào phục dựng trang phục cổ.

Nhìn theo hướng tích cực, ThS Đặng Bá Minh Công (CLB Đình làng Việt) đánh giá: Thương mại cũng là một yếu tố thúc đẩy tà áo ngũ thân “len lỏi” sâu rộng trong đời sống hiện đại. Chẳng hạn, có thể coi Ỷ Vân Hiên là đơn vị tiên phong trong việc thương mại hóa áo dài ngũ thân nói riêng và trang cổ phục Việt Nam nói chung. Sau Ỷ Vân Hiên là sự ra đời khá nhiều các thương hiệu như áo dài Năm Tuyền, Đông Phong, V’style, Cổ trang Đại Việt quán, Hoa, Great Vietnam, Vạn Thiên Y…

 Cùng với việc hoàn thiện kiểu dáng, một số đơn vị còn đầu tư về mặt chất liệu, họa tiết. Cụ thể, Ỷ Vân Hiên trình làng những bộ sưu tập cổ phục thêu họa tiết theo từng thời kỳ. Đông Phong nghiên cứu về kĩ thuật nhuộm thủ công, đưa ra những mẫu vải tơ tằm nhuộm bằng màu tự nhiên. Hoa Niên và Great Vietnam in họa tiết triều Nguyễn mang hiệu ứng dệt lên áo…

Sự nở rộ và cạnh tranh giữa các thương hiệu đã góp phần định hình vị thế của áo ngũ thân trên thị trường trang phục truyền thống Việt Nam. Cũng như các sản phẩm thời trang hiện đại, thị trường trang phục truyền thống cũng có sự phân cấp giữa dòng sản phẩm chất lượng và giá thành cao với những sản phẩm có mức giá bình dân.

Bên cạnh các thương hiệu có uy tín trên thị trường, anh Vũ Đức nhận thấy, xuất hiện loạt nhà may “sao chép” mọc lên. Các nhà may này thường may theo các thương hiệu đã phục dựng thành công trước đó rồi bán ra thị trường với giá rất rẻ để cạnh tranh. Theo lời anh Đức, cách thương mại hoá văn hoá một cách thiếu lành mạnh như vậy không đem lại giá trị quảng bá nữa, đồng thời gây ảnh hưởng tới nhận thức và thị hiếu của người mặc khi không ít đơn vị sản xuất trang phục một cách cẩu thả, sai lệch.

Và như thế, dần dần, những nhà nghiên cứu độc lập cũng đến lúc  “ngã quỵ”. Bởi cánh cửa cho những nghiên cứu trang phục cổ nghiêm túc, đạt chất lượng cao rất hẹp, trong khi họ lại chưa thực sự được quan tâm, khuyến khích, kết nối kịp thời, tạo môi trường thực hành nghiên cứu.

Thực tế, hệ quả từ câu chuyện này nhiều khi lại dội ngược lại về phía những bảo tàng, khu di tích. Bởi đã có những trang phục truyền thống lạ mắt, có giá trị văn hoá thấp từng lọt vào các không gian trưng bày hoặc các điểm phân phối ở một số nơi. Tương tự, một vài trường hợp thuộc các lĩnh vực phim ảnh, sân khấu, lễ hội cũng đã bắt đầu có dấu hiệu này.

Hướng tới sự chuẩn mực

Để khắc phục tình trạng may áo dài thiếu chuẩn xác, TS Phan Thanh Hải (Giám đốc Sở VH,TT tỉnh Thừa Thiên – Huế) kiến nghị: Cần xây dựng mạng lưới liên kết giữa những nghệ nhân, nhà thiết kế áo dài trên phạm vi cả nước. Từ kinh nghiệm và thành quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, có thể lấy tỉnh Thừa Thiên – Huế làm trung tâm cho việc này.

Như lời ông Hải, không chỉ liên kết, một trong những điều cần được đồng thời còn là việc cần đào tạo những người thợ may, nhà thiết kế am tường công việc thiết kế, cắt may và hiểu rõ giá trị của chiếc áo dài. Bởi, khi có được sự phối hợp ý tưởng nghệ thuật của nhà thiết kế với sự điêu luyện trong kỹ năng cắt may của người thợ giỏi, chúng ta sẽ có khả năng cao trong việc tạo lập các giá trị thẩm mỹ mới, góp phần nâng tầm áo dài lên một tầm cao hơn.

Ngoài ra, bên cạnh việc coi trọng những sắc màu truyền thống của áo dài, phía thực hiện cũng nên tìm kiếm sự đa dạng trong chất liệu và màu sắc, để hòa hợp tích cực hơn với thị hiếu thời đại và dân tộc. Vì vậy, theo ông Hải, chính quyền ở các địa phương sở hữu di sản áo dài truyền thống cần ban hành những chính sách, dự án nhằm khuyến khích việc nâng cao tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp – và đặc biệt, chú trọng tôn vinh những người thợ may tài hoa và các nhà thiết kế sáng tạo.

Song song cùng với đề xuất trên, nhà nghiên cứu Vũ Đức cho rằng: Cần thúc đẩy công bố, công khai hiện vật trong các đơn vị bảo tàng, trưng bày liên quan đến trang phục truyền thống. Nhờ vậy, mỗi người may áo dài có cơ sở để xác định tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn của áo ngũ thân.

Theo anh Đức, đây là bước quan trọng hàng đầu để “chính thức hoá” các ứng xử tiếp theo với áo dài. Bởi, thay vì chỉ có một, hai nhóm người ra sức phổ biến và khuyến nghị, thì việc công khai hiện vật sẽ mở ra nhiều chiều khác nhau. Qua đó, tính thật – giả có thể kiểm chứng cụ thể qua góc nhìn chuyên môn, học thuật, mà không phải bằng hoạt động quảng cáo, kinh doanh sản phẩm. Điều này còn khơi dậy quá trình tự tìm tòi, tự nhận thức của người dân đối với hiện vật được công khai, đặc biệt là người trẻ kế cận.

Như lời anh Đức, việc công bố, công khai hiện vật có thể là trưng bày trực tiếp – hoặc trưng bày tiêu bản nếu hiện vật đã quá hư hại. Nhưng tốt hơn hết, cần tiến hành số hoá hiện vật  – khi mà số hoá đang trở thành một trào lưu được quan tâm trong những năm gần đây trên nhiều phương diện. Riêng đối với trang phục truyền thống, cách số hóa tốt nhất là chụp trực diện như một số bảo tàng tiêu biểu ở Trung Quốc, Hàn Quốc đã thực hiện.

Theo nhà nghiên cứu Vũ Đức, việc công khai hiện vật cũng sẽ góp phần hạn chế tình trạng thiếu rõ ràng về quy trình tiếp cận hiện vật ở các đơn vị bảo tàng, trưng bày.

Thực tế, nhiều đơn vị vì những lý do khác nhau đã không mặn mà hỗ trợ hoặc tạo rào cản để những người nghiên cứu độc lập được “chạm vào” hiện vật – trong đó có không ít những nhà nghiên cứu trẻ, còn ít mối quan hệ. Và, cũng một phần từ việc khó tiếp cận hiện vật lịch sử, nhiều đơn vị sản xuất đã phân phối áo dài ngũ thân mà không có bất cứ một tiêu chuẩn nào.

“Lẽ ra điều này cần được thực hiện từ rất lâu, bởi phục dựng nhưng không được đối chiếu, so sánh thì sẽ giảm đi nhiều ý nghĩa” – anh Đức nói.

Exit mobile version