Site icon 8XBET

Quốc kỳ Việt Nam – sức mạnh tinh thần của dân tộc, niềm tự hào của nhân dân Việt Nam

Quốc kỳ Việt Nam - sức mạnh tinh thần của dân tộc, niềm tự hào của nhân dân Việt Nam - Ảnh 1.

Quốc kỳ Việt Nam – lá cờ đỏ sao vàng – là biểu tượng thiêng liêng của hồn nước, lòng dân, của tình đoàn kết các dân tộc Việt Nam; thể hiện ý chí và là nguồn động lực vô biên cho nhân dân trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do. 

Đó cũng là lời khẳng định của một quốc gia độc lập, thống nhất, hạnh phúc và hòa bình. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định và lịch sử kiểm chứng trong gần một thế kỷ qua, đó là: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

“Hỡi những ai máu đỏ da vàng,

Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc.

Nền cờ thắm máu đào vì đất nước,

Sao vàng tươi, da của giống nòi.

Đứng lên mau hồn nước gọi ta rồi,

Hỡi sĩ – công – nông – thương – binh

Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh”.

(Nguyễn Hữu Tiến)

Lá cờ đỏ sao vàng – khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc

Là niềm tự hào của người dân đất Việt, lá cờ đỏ sao vàng luôn xuất hiện trong những dấu mốc quan trọng hay bước ngoặt của lịch sử, biểu trưng cho chủ quyền dân tộc của một quốc gia. Lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện lần đầu tiên vào cuối năm 1940, khi phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp và phát xít Nhật diễn ra mạnh mẽ tại các tỉnh miền Nam.

Tháng 9/1940, xứ ủy Nam Kỳ họp mở rộng, bàn kế hoạch khởi nghĩa. Một vấn đề quan trọng đặt ra là cần có một lá cờ để khẳng định tổ chức, thống nhất hiệu lệnh chỉ huy và động viên quần chúng. Cuộc họp quyết định phát động khởi nghĩa vào ngày 23/11/1940 và thực hiện di huấn của đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng – là lấy cờ đỏ sao vàng làm lá cờ khởi nghĩa với ước muốn sau khi đánh đổ thực dân đế quốc thì Quốc kỳ Việt Nam sẽ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh ở giữa.

Ngày 23/11/1940, khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra mạnh mẽ, rộng khắp cùng sự xuất hiện lần đầu tiên của lá cờ đỏ sao vàng, làm lao đao chính quyền đô hộ. Chúng đàn áp khốc liệt cuộc khởi nghĩa.

Đến tháng 5/1941, tại rừng Khuổi Nậm, Pắc Bó, tỉnh Cao Bằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Lá cờ đỏ sao vàng được treo chính thức lần đầu tiên tại Hội nghị.

Năm 1941, trong chương trình Việt Minh xác định “sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, sẽ thành lập một chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân

chủ Cộng hòa lấy lá cờ đỏ sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc” (1). Đây được coi là văn bản đầu tiên chính thức quy định Quốc kỳ của nước Việt Nam là cờ đỏ sao vàng.

Ngày 22/12/1944, lá cờ đỏ sao vàng được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp làm lễ khai sinh Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang), chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa, đã thống nhất quyết định: Quốc kỳ Việt Nam là nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.

Cách mạng Tháng Tám thành công, cả nước rợp màu cờ đỏ sao vàng. Cờ tung bay trên tay mỗi người dân, cờ treo trước nhà mỗi gia đình, cờ phấp phới bay trên các dinh thự, công sở. Tự hào, vui sướng trong ngày hội lớn, nhà thơ Tố Hữu đã có những câu thơ ngợi ca về màu cờ cách mạng trong bài thơ “Huế tháng Tám”:

“…Gió ơi gió! Hãy làm giông, làm tố

Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi!

Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi!

Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác

Ôi thiên đường! Tai miên man lắng nhạc

Từ muôn phương theo gót nện rầm rầm

Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn năm!…”.

Còn nhà thơ Xuân Diệu lại viết về cờ đỏ sao vàng trong mùa thu tháng Tám với tâm hồn rạo rực, hân hoan, vui sướng:

“…Việt Nam! Việt Nam! Cờ đỏ sao vàng!

Những ngực nén hít thở Ngày Độc lập

Nguồn lực mới bốn phương lên tới tấp!

Nếp cờ bay chen vỗ sóng bài ca…”.

(“Ngọn Quốc kỳ”)

 

Chỉ sau 3 ngày đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử rợp bóng cờ bay, ngày 5/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 5-SL quyết định: Quốc kỳ Việt Nam là cờ đỏ sao vàng.

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, ngày 2/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lá cờ đỏ sao vàng đã thấm máu đồng bào ta trong Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940. Chính lá cờ này đã cùng phái đoàn Chính phủ đi từ châu Á sang châu Âu, từ châu Âu về châu Á; cờ đã có mặt trên khắp đất nước Việt Nam. Vậy thì trừ 25 triệu đồng bào, còn không ai có quyền thay đổi Quốc kỳ và Quốc ca…”. Toàn thể đại biểu tại kỳ họp Quốc hội đã biểu quyết nhất trí chọn cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ nước ta.

Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam thông qua năm 1946 cũng quy định rõ: “Quốc kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh”.

Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: “Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh”.

Về ý nghĩa Quốc kỳ, nền cờ màu đỏ tượng trưng dòng máu đỏ, màu của nhiệt huyết, ý chí, niềm tin, “tinh thần hy sinh chiến đấu cách mạng của nhân dân Việt Nam” (2), ngôi sao màu vàng tượng trưng “ánh sáng của vai trò lãnh đạo cách mạng” (3), nó còn là màu da vàng và năm cánh sao tượng trưng cho sự đoàn kết các tầng lớp nhân dân bao gồm sĩ, nông, công, thương, binh trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Với việc Chính phủ ban hành Sắc lệnh ấn định Quốc kỳ và được Quốc hội thông qua thể hiện tính thống nhất về mặt pháp lý đối với việc sử dụng Quốc kỳ, quy định cũng như xác nhận đối với nhân dân và quốc tế về biểu tượng của dân tộc Việt Nam. Cờ đỏ sao vàng năm cánh được sử dụng trang trọng trong tất cả các nghi lễ, các sự kiện quan trọng của Nhà nước, trở thành biểu tượng thiêng liêng, đại diện cho sức mạnh tinh thần của dân tộc, là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam.

Hướng dẫn về việc sử dụng Quốc kỳ

Năm 1956, cùng với việc ban hành mẫu Quốc kỳ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Điều lệ số 974-TTg ngày 21/7/1956 về việc dùng Quốc kỳ.

Ngày 2/10/2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Hướng dẫn số 3420 /HD-BVHTTDL về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm thống nhất việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Theo hướng dẫn mới này, về hình Quốc kỳ: “… Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh… Điểm giữa ngôi sao vàng đặt đúng điểm giữa (điểm giao nhau của hai đường chéo) Quốc kỳ. Khoảng cách từ điểm giữa ngôi sao đến đầu cánh sao bằng một phần năm chiều dài của Quốc kỳ. Một cánh sao có trục vuông góc với cạnh dài Quốc kỳ và hướng thẳng lên phía trên theo đầu cột treo Quốc kỳ. Tạo hình ngôi sao: từ đầu cánh sao này đến đầu cánh sao đối diện là đường thẳng, không phình ở giữa, cánh sao không bầu. Hai mặt của Quốc kỳ đều có ngôi sao vàng trùng khít nhau. Nền Quốc kỳ màu đỏ tươi, ngôi sao màu vàng tươi…”.

– Về cách treo: “… Khi treo Quốc kỳ chú ý đừng để ngược ngôi sao. Treo ảnh, chân dung lãnh tụ cùng với Quốc kỳ thì ảnh phải thấp hơn Quốc kỳ hoặc để ảnh trên nền Quốc kỳ dưới ngôi sao…”.

– Thời gian treo: “… Quốc kỳ được treo trong các phòng họp, hội trường của các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước và các đoàn thể khi họp những buổi họp long trọng.

Quốc kỳ được treo ngoài trời vào dịp các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị, tết cổ truyền của dân tộc và theo thông báo của Trung ương và chính quyền địa phương.

Quốc kỳ được treo hoặc mang đi ở những nơi tổ chức mít-tinh, diễu hành, động viên quần chúng, phát động thi đua sản xuất, thực hiện các phong trào cách mạng.

Các cơ quan Nhà nước, các nhà trường (kể cả học viện), các đơn vị vũ trang, các cửa khẩu biên giới, các cảng quốc tế phải có cột cờ và treo Quốc kỳ trước công sở, hoặc nơi trang trọng trước cửa cơ quan, Quốc kỳ phải đúng tiêu chuẩn về kích thước, màu sắc đã được Hiến pháp quy định.

Trụ sở Phủ Chủ tịch, trụ sở Quốc hội, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trụ sở Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước, Cột cờ Hà Nội, trụ sở Ủy ban nhân dân các cấp (trừ Ủy ban nhân dân phường ở thành phố, thị xã), các cửa khẩu và cảng quốc tế treo Quốc kỳ 24/24 giờ hằng ngày.

Trụ sở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các đơn vị vũ trang, nhà trường treo Quốc kỳ từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày.

Tất cả các cơ quan và đơn vị nói trên, đặc biệt là các cơ quan đối ngoại, khi có khách nước ngoài từ cấp Bộ trưởng trở lên đến thăm chính thức phải treo cờ quốc gia của khách cùng với Quốc kỳ…”.

– Dùng Quốc kỳ về việc tang:

“… Khi có Quốc tang thì đính vào phía trên Quốc kỳ một dải vải đen, dài bằng chiều dài Quốc kỳ, rộng bằng 1 phần 10 chiều rộng Quốc kỳ.

Quốc kỳ để phủ lên linh cữu những người đã từ trần được Chính phủ quyết định làm lễ Quốc tang. Những trường hợp khác được phủ Quốc kỳ lên linh cữu những người đã mất sẽ được quy định riêng…”.

Ngoài ra, hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng quy định rõ việc sử dụng Quốc kỳ trong các trường hợp khác như: Treo Quốc kỳ Việt Nam với cờ các nước khác, treo cờ đối với tàu thuyền, Quốc kỳ trong trang trí buổi lễ, treo Quốc kỳ trong buổi lễ mừng thọ, treo Quốc kỳ trong khu vực lễ hội.

Có thể thấy, trong những chặng đường vẻ vang của dân tộc luôn có sự hiện diện của lá cờ đỏ sao vàng năm cánh như một biểu tượng thiêng liêng, trở thành niềm tin, ý chí, nguồn động lực có sức mạnh vô biên đưa cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn để giành thắng lợi và trở thành niềm tự hào của dân tộc sánh vai cùng bạn bè khắp năm châu, đúng như những lời ngợi ca của nhà thơ Xuân Diệu trong bài thơ “Ngọn Quốc kỳ”:

” Gió bay đi, mà nhạc cũng bay theo,

Đưa tin mới khắp trên trời nước Việt.

Hoa cỏ đón, mà núi sông cũng biết,

Cờ Việt Nam oanh liệt gió mừng bay!”.

(1): Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, NXBCTQG, H, 2000, tr150.

(2): Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, Mục lục 2, Hồ sơ 15, tờ 62.

(3): Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, Mục lục 2, Hồ sơ 15, tờ 62.

Exit mobile version